You have an old version of Adobe's Flash Player. Get the latest Flash player.

CHUYÊN MỤC

Giới thiệu
Giáo dục - Môi trường
Bảo tồn Đa dạng sinh học
DVMTR
Thông tin cần biết
Hỏi đáp

ITEMS

LINKED WEBSITE

LIÊN KẾT WEBSITE


 

NECESSARY INFORMATION

THÔNG TIN CẦN BIẾT

ONLINE SUPPORTING

TRỢ GIÚP TRỰC TUYẾN

 

 
Tel:02693.795.602

ACCESS STATISTIC

THỐNG KÊ TRUY CẬP

 

 

NGHIÊN CỨU ĐẶC ĐIẾM SINH THÁI DINH DƯỠNG CỦA LOÀI CHÀ VÁ CHÂN XÁM (PYGATHRIX CINEREA) Ở VƯỜN QUỐC GIA KON KA KINH, TỈNH GIA LAI

Ngày đăng bài: 05/09/2017
Vọoc Chà vá chân xám (CVCX) là một trong 6 loài linh trưởng đặc hữu của Việt Nam. Sách đỏ Việt Nam xếp vào bậc E (loài nguy cấp). Sách đỏ thế giới xếp vào bậc CR (loài cực kỳ nguy cấp). Đặc biệt loài thú linh trưởng này còn được liệt vào danh sách “25 loài thú linh trưởng có nguy cơ bị tuyệt chủng cao nhất trên thế giới.
CVCX chỉ phân bố hẹp trong 5 tỉnh Miên trung và Tây nguyên  Việt Nam, ngoài ra không còn phân bố ở khu vực nào khác trên thế giới. Tuy nhiên do áp lực của săn bắn và hậu quả của việc khai thác tài nguyên rừng quá mức nên số lượng chủng quần của loài suy giảm nghiêm trọng trong những năm vừa qua. Đến năm 2010, theo thống kê chỉ còn dưới 1000 cá thể. Trong đó vườn quốc gia Kon Ka Kinh (VQG KKK) là một trong những điểm phân bố quan trọng của loài.
Trong tình trạng loài hiện nay, hiểu biết về đặc điểm sinh thái dinh dưỡng của loài CVCX là hết sức cần thiết để phục vụ cho công tác bảo tồn loài. Nghiên cứu về sinh thái dinh dưỡng không những cung cấp cho ta hiểu được làm thế nào động vật linh trưởng thích nghi với môi trường sống; Và các dữ liệu có được về thành phần thức ăn còn được sử dụng để lựa chọn môi trường sống thích hợp cho công tác chuyển vị đối với loài khi sống trong các môi trường bị đe dọa; Ngoài ra kết quả về thành phần thức ăn và hàm lượng dinh dưỡng là cơ sở để xác định yêu cầu dinh dưỡng cho loài trong điều kiện nuôi nhốt ở các vườn thú và trung tâm cứu hộ.
Xuất phát từ thực tế trên, để cung cấp những thông tin khoa học về sinh thái dinh dưỡng của CVCX nhằm góp phần vào công tác quản lý và bảo tồn loài. Chúng tôi tiến hành đề tài: Nghiên cứu đặc điểm sinh thái dinh dưỡng của loài Chà vá chân xám (Pygathrix cinerea) ở vườn quốc gia Kon Ka Kinh, tỉnh Gia Lai”.

1. Mục tiêu, nội dung và phương pháp nghiên cứu.
1.1. Mục tiêu.
Tìm hiểu đặc điểm sinh thái dinh dưỡng của loài CVCX ở VQG KKK
1.2. Nội dung .
     - Tìm hiểu thảm thực vật và vật hậu học ở khu vực sinh sống của CVCX ở VQG KKK
     - Nghiên cứu quỹ thời gian ăn và các hoạt động khác của CVCX
     - Xác định thành phần loài và bộ phận của cây mà loài CVCX sử dụng làm thức ăn.
     - Nghiên cứu hàm lượng chất dinh dưỡng trong thành phần thức ăn của CVCX và phương thức lựa chọn thức ăn của loài.

1.3. Thời gian nghiên cứu: 15 tháng (tháng 2/2009 đến tháng 6/2010). Trong đó 3 tháng tiền khảo sát và thực tập phương pháp, 12 tháng thu số liệu thực địa.
1.4. Phương pháp nghiên cứu.
Đề tài sử dụng kết hợp hai phương pháp lấy mẫu trực tiếp scan-sampling và focal-sampling của Altmann (1974) để thu thập tập tính ăn và hoạt động của CVCX;  Đánh giá vật hậu học của khu vực nghiên cứu theo phương pháp hình ảnh số của Chapman và cộng sự năm 1992; Phân tích hàm lượng thành phần các chất dinh dưỡng trong thức ăn của CVCX theo tiêu chuẩn Việt Nam; Thống kê và xử lý số liệu theo phần mềm excel 2003 và SPSS 11.5.
       Phương pháp thu thập tập tính và thời gian ăn của Chà vá chân xám
Sử dụng kết hợp hai phương pháp scan-sampling và focal-sampling của Altmann (1974) để thu thập tập tính của CVCX.
      Phương pháp scan-sampling: lấy mẫu quét (scan) các hoạt động của cá thể quan sát với khoảng cách đều 5 phút. Hoạt động được ghi lại ở các cá thể là hoạt động đầu tiên được nhìn thấy kéo dài ≥ 3 giây tại thời điểm quét. Có 5 loại hoạt động chính của CVCX được lấy mẫu gồm: ăn, nghỉ, di chuyển, xã hội và hoạt động khác. Kết quả 2.584 mẫu quét đã được lấy trên 2 đối tượng cá thể đực và cái trưởng thành trong 12 tháng thu thập số liệu. 
     Phương pháp focal-sampling: lấy mẫu liên tục đối với hoạt động ăn trên từng đối tượng quan sát. Số liệu tập tính được thu thập trong cả ngày từ 5:30-18:30. Mỗi tháng thu thập số liệu ngoài thực địa 10-15 ngày. Ống nhòm Nikola 10x42 được sử dụng khi quan sát ngoài  thực địa.
Các thông số thu thập trong bảng tập tính: Ngày quan sát, thời gian động vật bắt đầu và kết thúc hoạt động, giới tính và độ tuổi cá thể quan sát, các hoạt động sơ cấp, thời gian cá thể bắt đầu ăn và thời gian kết thúc mỗi lần ăn, bộ phận thức ăn động vật sử dụng, loài cây động vật ăn, vị trí động vật theo GPS.
       Phương pháp xác định thành phần thức ăn.
Quan sát CVCX ăn trực tiếp trên cây nào thì lấy mẫu trên cây đó. Ghi nhận bộ phận cây là thức ăn chà vá. Sau đó lấy mẫu cây gửi đi chuyên gia thực vật định danh.
       Phương pháp xác định vùng sống.
Vị trí gặp đàn voọc sẽ được xác định bằng máy định vị Etrex-H sau đó đánh dấu trên bản đồ số hệ UTM-WGS84.
       Phương pháp lấy mẫu và phân tích thành phần hóa sinh thức ăn.
Mẫu phân tích thường được lấy trực tiếp trên cây ngay trong ngày vọoc ăn. Việc lấy mẫu theo cách gần đúng nhất với bộ phận thức ăn mà động vật đã lựa chọn. Sau đó sấy khô và gởi đi phân tích hàm lượng các chất: protein, lipit, đường tổng, tinh bột, khoáng, chất xơ (xenlulo, hemmixenlulo, lignin). 
       Phương pháp phân tích số liệu .
Các số liệu được tập tính vọoc CVCX và vật hậu học thu thập ngoài thực địa được nhập hàng tháng vào phần mềm Excel 2003. Tất cả dữ liệu từ Excel được chuyển sang phần mềm SPSS 11.5 để xử lý.
Các phép tính phần trăm, kiểm định Chi-bình phương, Kiểm định trị trung bình T-Test, Hệ số tương quan hạng spearman được sử dụng để tính toán.
2. Kết quả nghiên cứu và thảo luận.
2.1 Đặc điểm thảm thực vật  và vật hậu học.

     Đặc điểm thảm thực vật CVCX.

Khu vực nghiên cứu nằm ở phía Tây Nam VQG KKK với diện tích khoảng 20 ha và có độ cao từ 890–1550m so với mặt nước biển. Kết quả nghiên cứu về thành phần loài và cấu trúc vật lý thảm thực vật của Hà Thăng Long trên cây gỗ có đường kính ≥ 10cm cho thấy: các cây gỗ trong thảm thực vật có đường kính trung bình 15,34cm. Chiều cao trung bình cây gỗ trong khu vực là 12,2m trong đó có 22,7% cây có chiều cao > 15m. Những cây cao > 15m thành tạo nên tầng tán - tầng ưu thế sinh thái của thảm thực vật và là tầng được CVCX sử dụng chủ yếu (chiếm 88,7% thời gian sử dụng). Mật độ cây trung bình 631 cây/ha ở kiểu rừng kín thường xanh, mưa ẩm á nhiệt đới núi thấp và 589 cây/ha ở kiểu rừng kín hỗn giao lá  rộng, lá kim. So các khu vực khác ở Việt Nam và Đông Nam Á, mật độ cây ở VQG KKK tương đối cao.
Theo hệ thống phân loại thảm thực vật rừng của Thái Văn Trừng khu vực này có 2 kiểu rừng chính: kiểu rừng kín thường xanh, mưa ẩm á nhiệt đới núi thấp và kiểu rừng kín hỗn giao lá rộng, lá kim mưa ẩm á nhiệt đới núi thấp. Trong cả hai kiểu rừng đều có chỉ số đa dạng Shenon - Wiever vượt quá 4,5. Điều này cho thấy rằng thảm thực vật, nơi CVCX sinh sống khá đa dạng. Đây là nguồn cung cấp thức ăn cho nhiều sự lựa chọn đối với loài vọoc.
     Vật hậu học ở môi trường sống CVCX.
Nghiên cứu tiến hành theo dõi sự biến động các thành phần lá non, hoa, quả của 301 cây có đường kính > 30cm trong 1 năm. Sau đó xác định mức độ sẵn có các thành phần lá non, hoa, quả dựa trên việc tính toán các chỉ số lá non, hoa, quả.
    Thành phần lá non: Chỉ số lá non tương quan tỷ lệ nghịch và chặt với lượng mưa (=-0,825, p=0,001). Điều này có nghĩa rằng cây ra ít lá non trong những tháng mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 11 và ra nhiều lá non trong các tháng mùa khô từ tháng 12 đến tháng 4. Trong tháng 9, sinh khối lá non thấp nhất với chỉ số 1,03. Trong tháng 2, sinh khối lá non đạt đỉnh cao nhất với chỉ số 1,7. (Hình 2.1).
     Thành phần hoa: Giữa chỉ số hoa và lượng mưa có mối tương quan nghịch có ý nghĩa ( =-0,657; p=0,02), giữa chỉ số hoa và nhiệt độ không có mối tương quan (=-0,172, p=0,592). Điều này cho thấy trong các tháng mùa khô, cây ra hoa nhiều hơn với chỉ số hoa trung bình 1,13, ngược lại trong các tháng mùa mưa cây ra hoa ít hơn với chỉ số hoa trung bình 1,05. Lượng hoa cao nhất vào tháng 1 năm 2010 với chỉ số hoa 1,19, trong tháng này số cây có hoa ở mức > 25% chiếm 7,6%.
    Thành phần quả: Nhìn chung sinh khối quả cao tập trung ở các tháng mùa mưa và sinh khối quả thấp ở các tháng mùa khô, đặc biệt là các tháng khô kiệt. Lượng quả thấp nhất trong tháng 1 năm 2010 với chỉ số quả 1,04, trong tháng này cây ở mức quả > 25% chỉ có 0,2 %. Tuy nhiên, mối tương quan giữa lượng mưa và chỉ số quả không rõ ràng (=0,427; p=0,167). (Hình 2.1)
Capture.PNG
Cũng giống như Chapman và một số nhà nghiên cứu khác, sự thay đổi khí hậu theo mùa và thành phần loài của thảm thực vật làm thay đổi vật hậu học ở rừng Kon Ka Kinh. Lượng lá non, hoa, quả biến động theo tháng và có sự khác nhau giữa hai mùa. Trong các tháng mùa khô, lượng lá non, hoa phổ biến hơn, nhưng lượng quả ít. Ngược lại trong các tháng mùa mưa, lượng quả phong phú trong khi lá non và hoa khan hiếm.
2.2. Quỹ thời gian ăn và các hoạt động khác.  
      Quỹ thời gian cho các hoạt động.
CVCX ở VQG KKK bắt đầu hoạt động từ sáng sớm, khoảng 5:15 - 6:20 (n=10) và kết thúc hoạt động vào lúc chiều tối khoảng 17:30 – 18:35 (n=13).
Kết quả từ 2.486 quan sát thu được trong 12 tháng nghiên cứu cho thấy rằng: Thời gian dành cho các hoạt động ăn, nghỉ, di chuyển và hoạt động xã hội khác nhau đáng kể. CVCX dành thời gian nhiều nhất cho nghỉ ngơi 41,6%, tiếp đến di chuyển 19,5% và hoạt động xã hội 27.5%, thấp nhất là thời gian ăn chỉ với 11,3%.
1.PNG
So sánh quỹ thời gian hoạt động của CVCX với các loài Colobinae khác. Kết quả cho thấy, quỹ thời gian ăn của CVCX (11,9%) thấp hơn so với các loài Colobinae khác. Ở giống Rhinopithecus, thời gian dành cho hoạt động ăn loài R. roxellana chiếm 35,8%, loài R. bieti chiếm 35%, loài R. avunculus chiếm 14,8%. Giống Pygathrix, cả 2 loài chà vá đều dành thời gian cho hoạt động ăn nhiều hơn, 35% đối với Chà vá chân đỏ (P. nemaeus), và 34% đối với Chà vá chân đen (P. nigripes).Quỹ thời gian ăn của CVCX chiếm tỷ lệ thấp có thể do nguồn thức ăn trong khu vực sinh sống của loài ở KKK phong phú thành phần loài và có mật độ cây cao.
      Quỹ  thời gian hoạt động ăn và hoạt động khác theo ngày.
Loài chà vá ở VQG KKK ăn vào tất cả các giờ trong ngày. Mô hình hoạt động ăn hàng ngày từ 6:00 – 18:00 như sau: buổi sáng, CVCX ăn ngay sau khi rời vị trí ngủ, hoạt động ăn tập trung ăn nhiều trong thời gian 7:00 – 8:00, sau đó chúng ăn ít hơn và hoạt động ăn giảm xuống cực tiểu lúc 9:00 – 10:00. Buổi trưa (11:00 – 13:00), hoạt động ăn giảm xuống trong khi chúng nghỉ ngơi. Buổi chiều, CVCX ăn tích cực từ 14:00 – 17:00, tỷ lệ ăn thời gian này lên đến 18 – 22%. Hoạt động ăn giảm xuống thấp sau 18:00, lúc những con vọoc bắt đầu ngủ.
Thời gian ăn trong trong ngày của vọoc CVCX tương quan nghịch với thời gian nghỉ ngơi (= - 0,804; p = 0,001; n = 14), tương quan thuận với thời gian di chuyển (= 0,675; p = 0,008, n = 14). 
Capture3-(1).PNG
       Quỹ thời gian ăn và các hoạt động khác theo mùa.
Tỷ lệ thời gian các hoạt động trong mùa mưa và khô có sự khác nhau (X2=6,312; df= 3; p=0,097). CVCX dành thời gian ăn trong mùa mưa (11,8%) nhiều hơn trong mùa khô (10,8%). Tỷ lệ thời gian dành cho nghỉ ngơi trong mùa mưa (42,8%) cũng nhiều hơn trong mùa khô (37,5%). Nhưng ngược lại tỷ lệ thời gian dành cho hoạt động di chuyển trong mùa mưa (18%) ít hơn trong mùa khô (21,7%) và tỷ lệ thời gian dành cho hoạt động xã hội trong mùa mưa (27,5%) ít hơn trong mùa khô (30%). Điều này cho thấy sự thay đổi mùa có ảnh hưởng rõ rệt đến quỹ thời gian hoạt động của CVCX ở Kon Ka Kinh.
Capture4.PNG
Trong mùa mưa, khi nguồn thức ăn trong môi trường sống phong phú quả và ít lá non, CVCX ăn quả và hạt nhiều (57,7%), lá non ít (19,8%). Trong mùa khô, khi nguồn thức ăn phong phú lá non và ít quả, CVCX ăn lá non nhiều (55,8 %), quả ít (27,7%). Mặt khác với thời tiết mùa mưa, CVCX mất một lượng nhiệt lớn khi bộ lông của chúng bị ướt. Để bù đắp cho lượng nhiệt mất đi này, CVCX ăn nhiều thời gian hơn và lựa chọn thức ăn giàu năng lượng hơn. Tỷ lệ quả trong mùa mưa chiếm đến 57,7%, đây là nguồn thức ăn cung cấp nhiều năng lượng hơn lá non. Ngoài ra, CVCX hạn chế tiêu tốn năng lượng bằng cách giảm các hoạt động xã hội và tăng cường hoạt động nghỉ ngơi.
2.3. Thành phần thức ăn của CVCX.
2.3.1.Thành phần thức ăn theo bộ phận cây.

Hạt chiếm tỷ lệ cao nhất 41,15%, trong đó hạt quả xanh (38,52%) được ăn nhiều hơn hạt quả chín (2,64%). Lá non là nguồn thức ăn quan trọng đứng thứ 2 sau hạt với tỷ lệ 32,32%. Lá trưởng thành ít được ăn hơn với 15,93%. Trong cả 2 loại thức ăn lá non và lá trưởng thành, phiến lá chiếm phần lớn với 41,78%, cuống lá chỉ chiếm 0,85%. Tiếp đến quả được ăn với tỷ lệ 5,75%, trong đó có 0,69% vỏ quả, 2,46% thịt quả, 2,6% nguyên quả. Hoa và cành non là 2 thành phần được ăn với tỷ lệ ít nhất (< 3% ở mỗi loại).
6.PNG
 
       Sự thay đổi thành phần thức ăn theo tháng.
Lá non được ăn quanh năm nhưng tỷ lệ lá non được CVCX ăn nhiều (47,9 – 64,7%) trong các tháng mùa khô (tháng 1 – 4). Lượng lá non được ăn nhiều nhất trong tháng 2 năm 2010. Lá trưởng thành được CVCX ăn ít hơn lá non, tỷ lệ CVCX ăn lá trưởng thành cao trong các tháng mưa nhiều (tháng 7–9). Hạt và quả được CVCX ăn ít trong các tháng mùa khô và ăn nhiều trong các tháng mùa mưa, đỉnh cao nhất ăn hạt và quả vào tháng 7 với tỷ lệ hạt và quả chiếm đến 84% thành phần thức ăn trong tháng. Hoa chỉ được ăn trong 3 tháng 1, 2, 4.
Sự thay đổi thành phần thức ăn hàng tháng có liên quan đến sự phong phú nguồn thức ăn trong môi trường sống. Giữa chỉ số lá non và lượng lá non được CVCX ăn có mối tương quan thuận đáng kể(=0,720; p=0,008; n=12) tuy nhiên giữa chỉ số quả và lượng quả được CVCX ăn không có sự tương quan rõ ràng (=0,216; p=0,501; n=12).
Capture7.PNG
       Sự thay đổi thành phần thức ăn và giới tính
Có sự khác nhau về thành phần thức ăn ở con đực trưởng thành và cái trưởng thành. Tỷ lệ quả trong thành phần thức ăn con cái trưởng thành (54,5%) cao hơn con đực trưởng thành (41,8%) nhưng tỷ lệ lá trong thành phần thức ăn của con cái 43,2%) lại ít hơn con đực (51,7%). Như vậy những con vọoc CVCX cái trưởng có thành phần thức ăn giàu dinh dưỡng và ít chất xơ hơn con đực trưởng thành.
2.3.1. Thành phần thức ăn theo loài.
Có ít nhất 135 loài thực vật thuộc 44 họ được xác định là thức ăn của CVCX, trong đó 81 loài  thuộc danh lục các loài nằm trong bảng thu thập tập tính ăn, 54 loài còn lại xác định trong quá trình quan sát nhưng nằm ngoài danh sách loài trong bảng tập tính. Trong số các loài cây, CVCX ăn lá non 87 loài, lá trưởng thành 46 loài, quả xanh 18 loài, quả chín 7 loài, hạt 27 loài, hoa 9 loài và cành non ít nhất với 5 loài. Trong số 44 họ, 10 họ có số loài nhiều nhất chiếm 54,8% tổng số loài. Danh sách 5 họ vừa thuộc tốp 10 họ được ăn nhiều vừa thuộc tốp 10 họ có nhiều loài gồm Myrtaceae, Sapindaceae, Moraceae, Lauraceae, Flacourtiaceae. Trong đó 3 họ Sapindaceae, Myrtaceae, Flacourtiaceae là nguồn cung cấp thức ăn cho CVCX quan trọng hơn cả.
2.4. Giá trị dinh dưỡng và sự lựa chọn thức ăn.
Các chất trong thành phần thức ăn chia làm 2 nhóm chính, nhóm kích thích ăn uống và nhóm ức chế tiêu hóa đối với Colobinae. Trong nghiên cứu này, chúng tôi chỉ phân tích hàm lượng dinh dưỡng trong nhóm kích thích ăn uống bao gồm: protein, cacbonhydate không cấu trúc (tinh bột, đường), lipit, khoáng. Nhóm ức chế tiêu hóa chỉ phân tích các loại chất xơ (xenlulo, hemmixenlulo, lignin).
      Sự lựa chọn chất dinh dưỡng.
Giữa hàm lượng các chất protein, đường, lipit, khoáng trong thức ăn và tỷ lệ thời gian ăn các thành phần thức ăn (lá non, lá trưởng thành, quả và hoa) không có mối tương quan rõ ràng (tất cả p > 0,13). Giữa hàm lượng tinh bột trong thức ăn và tỷ lệ thời gian ăn các loại thức ăn (gồm lá, hoa, quả kết hợp) có mối tương quan thuận nhưng không cao (=0,558; p=0,002). (Bảng 2.8)
Phân tích tương quan giữa phần trăm thời gian ăn lá và hàm lượng các chất dinh dưỡng trong lá cho thấy: phần trăm thời gian ăn lá và hàm lượng tinh bột trong lá có mối tương quan thuận (=0,558; p=0,016, n=18). Nhưng thời gian ăn lá với hàm lượng protein, lipit, khoáng, đường trong lá không có mối tương quan rõ ràng. (tất cả p > 0,18). (Bảng 2.9)
Phân tích tương quan giữa lượng thời gian ăn quả và hàm lượng các chất protein, lipit, tinh bột, khoáng trong trái cây không có mối tương quan rõ ràng, (tất cả p>0,18, n=9). Tuy nhiên hàm lượng đường trong quả có xu hướng tương quan nghịch với thời gian ăn quả (=-0,603; p=0,086, n=9) (Bảng 2.10). Điều này cho thấy CVCX ít lựa chọn ăn quả có hàm lượng đường cao hơn.
Như vậy trong nghiên cứu này, chỉ số protein và các chất dinh dưỡng khác khoáng, đường, lipit không tác động rõ ràng đến sự lựa chọn thức ăn của CVCX. Hàm lượng tinh bột là yếu tố có ảnh hưởng đến sự lựa chọn thức ăn, tuy nhiên yếu tố này có ảnh hưởng khi lựa thành phần thức ăn lá cây, nhưng không tác động rõ ràng khi lựa chọn thức ăn là quả.

Bảng 2.8: Tương quan giữa tỷ lệ thời gian ăn và hàm lượng dinh dưỡng trong các thành phần thức ăn (n = 28)
212.PNG
213.PNG
Protein là nhân tố quan trọng không thể thiếu để duy trì chức năng của cơ thể động vật. Hàm lượng cao protein là một trong những lý do của việc lựa chọn thức ăn. Tuy nhiên trong nghiên cứu này, mối tương quan giữa hàm lượng protein và thời gian ăn không rõ ràng. Như vậy protein là một yếu tố nhưng không phải là yếu tố duy nhất ảnh hưởng đến sự lựa chọn thức ăn của CVCX.
Tỷ lệ protein/ADF cũng là yếu tố quan trọng trong sự lựa chọn thức ăn. Nhưng kết quả phân tích cho thấy giữa chỉ số protein/ADF trong các thành phần thức ăn và thời gian ăn không có mối tương quan rõ ràng. Khi so sánh chỉ số protein/ADF trong thức ăn lá non và lá trưởng thành cũng không có sự biệt (t = 0,301; p = 0,767). Như vậy tỷ lệ protein/ADF không phải là 1 yếu tố ảnh hưởng rõ ràng đến sự lựa chọn thức ăn mà có thể còn chịu sự tác động của nhiều nhân tố khác.
Ở CVCX, khi lựa chọn thành phần thức ăn lá, có xu hướng ăn nhiều hơn lá cây chứa hàm lượng tinh bột cao và ít hơn lá cây có hàm lượng tinh bột thấp (= 0,556; p=0,017). Nhưng khi ăn quả và hạt, tinh bột sẵn có với hàm lượng cao, đảm bảo cung cấp đủ năng lượng cho hoạt động của cơ thể, có thể vì vậy tinh bột không còn là nhân tố để lựa chọn.
CVCX có xu hướng ít ăn quả và hạt có chứa hàm lượng đường cao hơn. Do khi ăn một lượng đường lớn trong quả, quá trình lên men ở dạ dày sẽ gây ra chướng bụng. Điều này có thể giải thích được tại sao trong thành phần thức ăn quả và hạt, CVCX  ăn tỷ lệ quả và hạt xanh chiếm đến 41,27%, trong khi quả và hạt chín chỉ chiếm 5,64 %.
      Sự lựa chọn chất xơ.
Khi xem xét mối tương quan giữa hàm lượng các chất xơ NDF, ADF, ADL  và thời gian ăn trong tất cả các thành phần (n= 28) (gồm lá non, lá trưởng thành, quả, hoa) và chỉ trong thành phần thức ăn lá (n = 18), hoặc trong  thành phần quả (n = 9), kết quả đều cho thấy không có mối tương quan rõ ràng (tất cả p > 0,1).
Giữa lượng thời gian ăn và hàm lượng chất xơ trong thức ăn không có mối tương quan rõ ràng. Mặt khác khi so sánh hàm lượng các chất xơ trong lá non và lá trưởng thành ở các loài thức ăn khác nhau của vọoc chà vá, cũng không thấy sự khác biệt. Như vậy yếu tố chất xơ không ảnh hưởng rõ ràng đến sự lựa chọn thức ăn. Nguyên nhân có thể do nghiên cứu chỉ được lấy 1 lần tại thời điểm quan sát thấy CVCX ăn nhiều để phân tích. Trong khi đó ở một số loài cây, thời gian sử dụng chúng làm thức ăn kéo dài từ hai đến nhiều tháng. Thêm vào đó số lượng mẫu quan sát tập tính của CVCX ngoài tự nhiên chỉ có 211 giờ 30 phút. Vì vậy mà tính đại diện của mẫu chưa cao. Đó cũng có thể là lý do vì sao kết quả có thể chưa thấy rõ nhân tố ảnh hưởng của các chất dinh dưỡng và chất xơ đến sự lựa chọn thức ăn của loài.
        Với rất nhiều các yếu tố khác nhau ảnh hưởng đến thời gian sử dụng thức ăn nên rất khó khăn để rút ra kết luận các yếu tố để lựa chọn thức ăn của vọoc CVCX. Có thể nói sự lựa chọn thức ăn của CVCX có lẽ chịu ảnh hưởng bởi một phổ phức tạp các yếu tố khác nhau, bao gồm hàm lượng các chất dinh dưỡng chủ yếu, chất xơ và các hợp chất thực vật thứ cấp. Tuy nhiên có hay không một hoặc vài yếu tố quyết định cho sự lựa chọn thức ăn của CVCX vẫn còn là một câu hỏi.
 TÀI LIỆU THAM KHẢO
TIẾNG VIỆT
[1] Từ Văn Khánh, Hồ Đắc Thái Hoàng, Nguyễn Mạnh Hà (2009), "Nghiên cứu  quần thể Chà vá chân xám (Pygathrix cinerea) ở núi Hòn Mỏ, huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam", Tạp chí kinh kế sinh thái, 31, tr.75-79.
[2] Hà Thăng Long (2008), Báo cáo tổng kết Chương trình nghiên cứu tập tính sinh thái và bảo tồn loài Chà vá chân xám (Pygathrix cinerea) tại Vườn quốc gia Kon Ka Kinh, Tỉnh Gia Lai, Báo cáo kỹ thuật dự án, tỉnh Gia Lai.
[3] Phân viện điều tra Quy hoạch rừng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên (2003), Dự án xây dựng Vườn Quốc Gia Kon Ka Kinh tỉnh Gia Lai giai đoạn (2004 – 2010).
[4] Lê Khắc Quyết (2006), Nghiên cứu một số đặc điểm sinh thái của vooc mũi hếch (Rhinopithecus avunculus Dolliman, 1912) ở khu vực Khau Ca, tỉnh Hà Giang, Luận văn thạc sĩ khoa học Động Vật Học, Trường Đại học khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội, tr.3-4.
[5] Sterling, E. J.,Hurley, M. M., L.Đ.Minh (2007), Lịch sử tự nhiên của Việt Nam, NXB Lao động xã hội, Hà Nội, tr.112 - 119.
[6] Nguyễn Vĩnh Thanh (2009), Nghiên cứu đặc điểm sinh học, sinh thái Voọc quần đùi trắng Trachypithecus delacouri (Osgood, 1932) ở Khu bảo tồn thiên nhiên Vân Long và đề xuất một số giải pháp bảo tồn, Luận văn tiến sĩ, Trường Đại học khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội.
TIẾNG ANH
[7] Ademmer, C., Klumpe K., Maravic I., Königshofen C., Schwitzer, C. (2002), "Nahrungsaufnahme und Hormonstatus von Kleideraffen (Pygathrix  nemaeus Linnaeus, 1771)", im Zoo. Z. Kölner Zoo, 45(3), pp. 29-135.
[8] Chapman, C. A. and Chapman, L. J. (2002), "Foraging challenges of red colobus monkeys: influence of nutrients and secondary compounds", Comp Biochem Physiol A Mol Integr Physiol, 133(3), pp. 861-875.
[9] Chapman, C.A. (1990), "Ecological Constraints on Group Size in Three Species of Neotropical Primates", Folia Primatologica, 55, pp. 1-9.
[10] Chivers, D. J. and Hladik, C. M. (1980), "Morphology of the gastrointestinal tract inprimates: comparisons with other mammals in relation to diet", Journal of Morphology, 166, pp. 337-386.
[11] Clutton-Brock, T.H. (1977), Primate ecology: studies of feeding and ranging Behaviour in lemurs, Academic Press, New York,  pp. 585-589.
[12] Clutton-Brock, T.H. (1977), "Some aspects of intra-specific variation in feeding and ranging behavior in primates", Primate ecology, Academic Press, New York, pp. 539-556
[13] Dao Van Tien (1960), "Sur une Nouvelle Espece de Nycticebus au Vietnam", Zoologischer Anzeiger, 164, pp. 240 - 243.
[14] Dasilva, L.G. (1993), "Postural changes and behavioural thermoregulation in Colobus polykomos: the effect of climate and diet", African Journal of Ecology, 31, pp. 226-241.
[15] Dasilva, L.G. (1992), "The western black-and-white colobus as a low-energy strategist: activity budgets, energy expendidture and energy intake", Journal of Animal Ecology, 61, pp. 79-91.
[16] Davies, A. G.,Oates, J. F.,Chivers, D. J. (1994), Functional anatomy of the gastrointestinal tract' In Colobinae Monkeys: Their Ecology, Behaviour, and Evolution eds, Cambridge University Press, Cambridge.
[17] Ding, W. and Q.K. Zhao (2004), "Rhinopithecus bieti at Tacheng, Yunnan: Diet and Daytime activities", International Journal of Primatology, 25(3), pp. 583-598.
[18] Ganzhorn, J.U. & Wright, P.C. (1994), "Temporal patterns in primate leaf eating: the possible role of leaf chemistry", Folia Primatologica, 63, pp. 203-208.
[19] Guo, S., B. Li, and Watanabe, K. (2007), "Diet and activity budget of Rhinopithecus roxellana in the QinlingMountains, China", Primates, 48, pp. 268-276.
[20] Ha Thang Long (2003), Preliminary survey of distribution and population of grey-shanked douc monkeys (Pygathrix cinerea) in Vietnam, MSc, Social Anthropology Oxford, OxfordBrookesUniversity.
[21] Ha Thang Long (2004), A field survey for the grey-shanked douc monkey (Pygathrix cinerea) in Vietnam, Report for BP Conservation programme.
[22] Ha Thang Long (2009), Behavioural ecology of grey-shanked douc monkeys in Vietnam, PhD,University of Cambridge.
[23] Harrison, M.J.S. (1985), "Time budget of the Green monkey, Cercopithecus sabaeus: some optimal strategies", International Journal of Primatology, 6(4), pp. 351-376.
[24] Hoang Minh Duc (2006), Ecology and conservation status of the Black shanked duoc (Pygathrix nigripes) in Nui Chua and Phuoc Binh national parks, Ninh Thuan province, Viet Nam, PhD, University of Queensland.
[25] Kay, B. N. R. and Davies, A. G. (1994), "Digestive physiology", Colobinae monkey: their ecology, behaviour and evolution, CambridgeUniversity press,Cambridge, pp. 229-249.
[26] Kirkpatrick, R.C. (1996), Ecology and behavior of the Yunnan snub-nosed langur (Rhinopithecus bieti, Colobinae),PhD, University of California.
[27] Konstant, W. R. and Mittermeier, R. A. (1982), "Introduction, reintroduction and translocation of Neotropical primates: past experiences and future possibilities", International Zoo Yearbook, 22.
[28] Kuhn, H.J.(1964), "Zur Kenntnis von Bau und Funktion des Magens der Schlankaffen (Colobinae)", Folia Primatologica, 2, pp. 193-221.
[29] Lippold L. K. and Vu Ngoc Thanh (1999), "Distribution of the grey-shanked douc monkeys in Vietnam", Asian Primates, 7(2), pp. 1-3.
[30] Lippold, L. K (1977), The douc langur: A time for conservation. Primate Conservation, Academic Press, New York, pp. 513-538.
[31] Lippold, L. K. and Vu Ngoc Thanh (1995), "Douc monkeys variety in the Central Highlands of Vietnam", Australia Primatology, 10(2), pp. 17-19.
[32] Lippold, L. K. and Vu Ngoc Thanh (2002), "The grey-shanked douc langur: Survey results from Tien Phuoc, Quang Nam, Vietnam", Asian Primates, 8(1), pp. 3-6.
[33] Milton, K. (1979), "Factors influencing leaf choice by Howler monkeys: a test of some hypotheses of food selection by generalist herbivores", American Naturalist, 114, pp. 362-378.
[34] Morrogh-Bernard, H.C. (2009), Orang-Utan behaviour ecology in the Sabangau peat-swamp forest, Borneo, PhD, AnatomySchool, Cambridge.
[35] Nadler, T. (1995), "Douc monkey (Pygathrix nemaeus ssp.) and Francois' langur (Trachypithecus francoisi ssp.) with Questionable taxonomic status in the Endangered Primate Rescue Center, Vietnam", Asian Primates, 5, pp. 8-9.
[36] Nadler, T. (1997), “A new subspecies of douc monkey, Pygathrix nemaeus cinereus ssp”, Der Zoologische Garten, 67(4), pp.165-176.
[37] Nadler, T., Momberg, F.,  Le Xuan Canh, Lormee, L. (2003), Leaf Monkey, Frankfurt Zoological Society - Cuc Phuong National Park Conservation Program - Fauna & Flora International, Vietnam Program, Ha Noi.
[38] Nadler, T., Rawson, B.M., V.N. Thinh (2010), "Status of Vietnamese primates - complement and revisons", Conservation of Primates in Indochina, Ha Noi. pp. 3-17.
[39] National Research Council (2002), Nutrient requirement of nonhuman primates, The National Academies Press, WashingtonD.C.
[40] Oates, J.J., Swain, T. and Zantovska, J. (1977), "Secondary compounds and food selection by Colobus monkeys", Biochemical Systematics and Ecology, 5, pp. 317-321.
[41] Oftedal, O.T. (1991), "The nutritional consequences of foraging in primates: The relationship of nutrient intakes to nutrient requirements", Philosophical Transactions: Biological Sciences, 334, pp. 161-170.
[42] Otto, C. (2005), Food Intake, Nutrient Intake, and Food Selection in Captive and Semifree DoucLangurs, Phd, University ofCologne.
[43] Otto, C. (2005), Food Intake, Nutrient Intake, and Food Selection in Captive and Semifree DoucLangurs, Techinal report of project in Cuc Phuong NP.
[44] Perrigo, G. & Bronson, F.H. (1985), "Sex differences in the energy allocation strategies of house mice", Behavioral Ecology and Sociobiology, 7, pp. 297-302.
[45] Pham Nhat (1993c), "First results on the diet of the red-shanked douc monkeys (Pygathrix nemaeus)", Australasian Primatology, 8, pp. 5-6.
[46] Pham Nhat, Do Quang Huy & Pham Hong Nguyen (2000), Report on research results on distribution,  ecology and monitoring survey of the Red-shanked Douc langurs (Pygathrix nemaeus nemaeus) in Phong Nha Ke Bang forest area, The Forestry  University  of  Vietnam  and  World  Wide Fund for Nature-Indochina Programme.
[47] Rawson, B. (2006), "Activity budget in black-shanked douc langur (Pygathrix ngripes)", International Journal of Primatology, 27, pp. 307.
[48] Roos, C. and Nadler, T. (2001), "Molecular evolution of the douc monkeys", Zoologische Garten, 71(1), pp. 1-6.
[49] Smuts, B. B., Cheney, D. L., Seyfarth, R. M., Wrangham, R. W. and Struhsaker, (1987), "Food Distribution and Foraging Behavior", In Primate Societies eds, Chicago University Press, Chicago and London, pp. 197-209.
[50] Struhsaker, T. T. (1975), The Red colobus monkey, Chicago University Press, Chicago.
[51] Timmins, R. J. and N. Ruggeri. (1999), "An initial summary of diurnal primate status in Laos", Australian Primatology, 20(4), pp. 469-489.
WEB
[52] http://www.iucnredlist.org/apps/redlist/details/39827/0 (29/5/2011), Pygathrix cinerea, The IUCN red list of threatened species.
[53] http://animaldiversity.ummz.umich.edu/site/accounts/information/Pygathrix_cinerea.html, (28/5/2011), Pygathrix cinerea, Animal diversity web.
[54] http://www.kiemlam.org.vn/Desktop.aspx/News/Danh-muc-dong-thuc-vat-thuc-vat-rung-nguy-cap-quy-hiem, (30/9/2011), Pygathrix cinerea, Nghị định của chính phủ số 23/2006/NĐ-CP ngày 03/3/2006 về thi hành luật bảo vệ và phát triển rừng.
 
Ths. Nguyễn Thị Tịnh/FZS.
 

TOP NEWS

THÔNG BÁO

VIDEO

VIDEO HOẠT ĐỘNG

COFFEE RATE

POLL

You have an old version of Adobe's Flash Player. Get the latest Flash player.

THĂM DÒ Ý KIẾN

Bạn đánh giá mức độ ô nhiễm môi trường ở Việt Nam như thế nào Bạn đánh giá mức độ ô nhiễm môi trường ở Việt Nam như thế nào
 
 
 

VƯỜN QUỐC GIA KON KA KINH
Địa chỉ: xã Ayun, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai - ĐT: 059.3795600 - Email:vuonquocgiakonkakinh@gmail.com
Chịu trách nhiệm: Ngô Văn Thắng - Phó Giám đốc phụ trách Vườn quốc gia Kon Ka Kinh
Giấy phép số: 06/GPTTĐT-STTTT ngày 11/11/2013 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai.
Phát triển bởi Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông Gia Lai